Người ta có thể làm chủ được niềm đam mê của mình không?
Giữa 3 mức độ: sở thích – đam mê – cuồng, thì đam mê vẫn còn nằm trong giới hạn của sự tự chủ. Tuy nhiên sự tự chủ này được bao lâu còn phụ thuộc vào kỹ năng quản lý của xúc của bản thân chủ thể. Nếu kỹ năng này kém, cá nhân có thể để đam mê bùng phát đến mức mất kiểm soát và thiêu rụi chính bản thân mình.
Nếu có thể, có những cách nào để tự làm chủ đam mê của bản thân mình? Mỗi người phải tự trang bị cho mình những kỹ năng gì trong trường hợp này?
Sẽ rất may mắn nếu chúng ta có một đam mê để sống, để phấn đấu và cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên hãy để mình điều khiển đam mê chứ đừng để đam mê điều khiển mình. Để làm được điều đó, chúng ta cần có 2 kỹ năng quan trọng làm “chiếc neo” cho nỗi đam mê:
- Một là kỹ năng lập kế hoạch thực hiện đam mê. Một người đi đường cần phải có bản đồ để biết mình có đang đi đúng hướng, đâu là ngõ cụt, đâu là hầm hố. Nếu không nắm trong tay đường đi nước bước, chúng ta rất dễ lạc đường và thực hiện đam mê một cách mù quáng mà cứ tưởng mình đang đi đúng. Như vậy, kế hoạch chính là tấm bản đồ để so sánh đối chiếu giúp chúng ta biết mình đang ở đâu, từ đó điều chỉnh bản thân cho phù hợp.
- Hai là kỹ năng quản lý cảm xúc. Nhiều người có khí chất “lạnh”, khơi gợi cỡ nào họ cũng khó hứng thú. Nhưng nhiều người có khí chất “nóng”, một khi đã bắt tay và hứng thú thì rất dễ bùng phát. Do đó, họ phải tự nhận thức được khuyết điểm này và tập dừng đúng lúc.
Biện pháp để giúp người khác biết họ phải làm chủ đam mê của họ?
- Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể tự nhận ra rằng mình đang quá đà, đang “cuồng”, vì thế họ cần một tiếng chuông cảnh tỉnh từ những người xung quanh.
Để góp ý mà không mất lòng, không nên phê phán đam mê của họ vì sẽ tạo cho họ tâm thế tự vệ mà nên góp ý cách thực hiện đam mê ấy. Bạn có thể dùng các con đường sau:
+ Kể về cách tấm gương nổi tiếng khác đã thành công mà không phải đánh đổi quá nhiều (đánh đổi sức khỏe, đánh đổi hạnh phúc gia đình.v.v…) để họ tự so sánh và tự nhận ra cái sai trong cách làm hiện tại.
+ Góp ý cho họ bằng cách đặt câu hỏi. Ví dụ một người đàn ông ngày đêm thực hiện đam mê mà sa sút sức khỏe và bỏ mặc cả vợ con, bạn có thể hỏi một cách quan tâm: Cậu đi liên tục như thế, liệu chị nhà có buồn và không sợ con của cậu bị thiếu tình thương sao? Cậu có thật sự cảm thấy vui vẻ khi đạt được đam mê trong khi lại mất đi sức khỏe để hưởng thụ nó và đánh mất đi tình cảm của những người đã từng yêu thương cậu nhất?
+ Tâm sự về bản thân để liên hệ thực trạng của họ: Tớ cũng đã từng thực hiện đam mê của mình, rồi sau đó tớ nhận ra: Hạnh phúc không chỉ nằm ở đích đến, mà hạnh phúc nằm ở trên chính đường đi. Đôi khi vì quá đam mê, tớ đi quá vội, quá nhanh mà quên đi cái hạnh phúc của hiện tại. Và điều tớ hối hận nhất là nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện (ví dụ tiền chỉ là phương tiện để hạnh phúc nhưng vì mải mê làm giàu mà đánh mất hạnh phúc của mình), là không nhận ra mình đang trở thành nô lệ của chính đam mê của mình.
Thầy có thể kể cho em nghe vài trường hợp mà thầy biết do không làm chủ đam mê đã gây ra một số bất lợi, thậm chí hậu quả nặng nề?
Một bạn trẻ 26 tuổi bắt tay gầy dựng đam mê làm giàu bằng việc thành lập một công ty nhỏ xuất phát từ ý tưởng kinh doanh đồ điện tử giá rẻ. Mọi số tiền dành dụm, tiền vay mượn từ bạn bè và người thân đều đổ dồn vào “công trình đầu tay” này. Bạn “ăn công ty, ngủ công ty, ở công ty suốt gần hai năm trời” và liên hệ với gia đình thưa thớt, mối quan hệ với bạn bè cũng lạnh nhạt đi, thậm chí người yêu bây giờ cũng chỉ đứng vị trí thứ hai sau “người tình lớn” là công ty nọ. Vì khai sinh vào thời buổi kinh tế khó khăn, lại thiếu kinh nghiệm về quản lý nên cuối cùng công ty phá sản. Khi đó nhìn lại, người yêu không còn, tiền bạc cũng hết, người thì gầy rạc, nợ nần người thân chưa trả. Anh chàng nghĩ quẫn rồi uống thuốc ngủ tự vẫn. Nhưng may mắn gia đình phát hiện và đưa đi bệnh viện kịp thời.
Ths. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Giảng viên khoa TLGD trường ĐHSP. Tp Hồ Chí Minh)
Nguồn: http://www.nguyenhoangkhachieu.vn/index.php/san-pham/ky-nang/152-lam-chu-dam-me.html