1) Làm thế nào để phát triển tư duy thuật toán :
Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng trong dạy học hiện nay.Trong dạy học người ta luôn luôn tìm kiếm nhiều phương pháp để phát triển tư duy cho học sinh. Ở từng giai đoạn nội dung phát triển tư duy có khác nhau. Nó phụ thuộc vào trình độ khoa học kỹ thuật, quan điểm triết học. Chúng ta đã từng quen thuộc với các khái niệm về tư duy trừu tượng, tư duy logic, tư duy biện chứng.
Vào thời cổ đại, tư duy của con người gần như là tư duy cụ thể, toán học thời bấy giờ chỉ là các khái niệm thực nghiệm, trong giai đoạn này chưa có khái niệm về tư duy logic. Về sau toán học phát triển cao hơn, con người không những biết thành lập những mệnh đề toán học mà còn biết chứng minh tính đúng đắn của nó, tư duy logic xuất hiện. Vào thời đại ngày nay bước sang giai đoạn tự động hóa, máy vi tính trở thành công cụ đắc lực cho mọi hoạt động. Ðể nắm vững tin học nhằm hòa nhập tích cực vào cuộc sống con người cần có tư duy thuật toán.
2) Sự liên hệ giữa tư duy thuật toán và tư duy sáng tạo:
Sự liên hệ giữa tư duy thuật toán và tư duy sáng tạo có nhiều quan điểm trái ngược nhau. Có quan điểm cho rằng dạy thuật toán cho học sinh là làm cho học sinh hoạt động máy móc, rập khuôn, thiếu linh hoạt nhưng chúng ta cần xem xét vấn đề trên trên nhiều góc độ khác nhau.
Tư duy thuật toán là tiền đề chuẩn bị cho sự sáng tạo.Trước khi có sự sáng tạo người ta cần phải nắm vững tri thức, thành thạo các kỹ năng cơ bản. Tư duy thuật toán rất cần thiết trong giai đoạn này. Chúng ta dễ dàng nắm được các khái niệm khoa học nhờ tư duy thuật toán vì biết vạch ra các dấu hiệu của khái niệm, biết xây dựng thuật giải cho các bài toán. Từ đó dễ dàng hình thành các kỷ năng, kỹ xảo.
Trên cơ sở thuật toán cho trước ta có thể xây dựng nhiều bài toán cụ thể khác nhau.
Tư duy thuật toán giúp chúng ta không dừng lại ở một cách giải bài toán nào đó mà luôn nghĩ đến nhiều lớp bài tập càng lúc càng rộng hơn, tổng quát hơn.
Bản thân việc phát hiện ra thuật toán để giải một bài tập nào đó cũng là một sự sáng tạo.
Tư duy thuật toán cũng góp phần phát triển phẩm chất trí tuệ, rèn luyện thao tác, tư duy.
+ CÁC KĨ NĂNG
* Phân tích: Thông qua phân tích các bài toán (xét mọi trường hợp có thể xảy ra) phân tích một hoạt động lớn thành nhiều hoạt động thành phần.
* Tổng hợp: Là quá trình sắp xếp một cách hợp lý các hành động thành một quy trình cụ thể, có thể miêu tả bằng lời hoặc sơ đồ khối.
* Khái quát: Là xuất phát từ bài toán cụ thể có thể khái quát thành bài toán tổng quát cho một dạng bài tập nào đó.
Nguồn: Thầy Huỳnh Minh Trí - THPT Nguyễn Đình Chiểu - Mỹ Tho